Các tuyển thủ G2 Esports có lượng fan hâm mộ hùng hậu
Tin Games

Các tuyển thủ G2 Esports có lượng fan hâm mộ hùng hậu

Ở Việt Nam, chúng ta có đội tuyển SE cũng là một cây hài hước, bởi mỗi thành viên đều đang làm streamer, cái tính hài đã ăn sâu vào trong máu cả về lối chơi lẫn tính cách, tuy nhiên do một vài lùm xùm gần đây ít nhiều cũng ảnh hưởng đến người hâm mộ khi mà Zeros liên tục vướng vào những scandal, và mới nhất là bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Cùng là kiếp “tấu hài” nhưng có vẻ như G2 Esports vẫn dành được nhiều thiện cảm của khán giả, nhờ vào những nét cá tính đặc trưng của họ.

Vô kỷ luật, lười luyện tập, suốt ngày chỉ cắm đầu chơi game khác, không hề coi đối thủ ra gì, đọc được những đặc điểm này thì người chơi cũng nghĩ không ai khác đó chính là đội tuyển: G2 Esports.

“Gánh xiếc quốc tế” là danh từ mà người hâm mộ Liên minh huyền thoại thế giới dùng để mô tả về G2, vì dù cho bạn cố nghĩ thế nào đi nữa thì đây vẫn giống như một đội tuyển đầy sự tấu hài. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện tại, khi cộng đồng LMHT Việt đang tỏ ra khá “đau đầu” vì một nan đề: sự thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận tuyển thủ VCS, thì liệu có ai thắc mắc rằng: Tại sao cũng là những biểu hiện tương tự, nhưng G2 lại không bị ghét bỏ hay ghẻ lạnh? Thậm chí, chính những sự “vô kỷ luật”, “coi thường HLV” ấy lại khiến cho đội tuyển này trở nên đặc biệt hơn?

Advertisement

Đầu tiên, phải khẳng định rằng, những vấn đề như không chịu luyện tập, mải chơi World of Warcraft hay coi thường HLV… của các tuyển thủ G2, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chỉ được thể hiện qua những đoạn bình luận trên MXH của các thành viên đội tuyển này. Không có bằng chứng cụ thể hay rõ ràng nào cho thấy những sự tiêu cực xuất hiện trong nội bộ G2, ngay cả trong vụ chuyển nhượng ồn ào của Perkz sang Cloud9. Vì vậy, ngay lúc này đây, những câu chuyện trên vẫn chỉ có thể coi là dăm ba trò đùa dai của gánh xiếc này mà thôi.

Nhưng đùa thì cũng phải đùa “có nghệ thuật”, và rõ ràng, G2 Esports hội tụ đủ những yếu tố biến họ thành nghệ sĩ. Ngoài ra, song hành cùng với sự “nhây nhớt” trên MXH, đội tuyển này cũng có được những nét ưu điểm giúp họ dành được nhiều thiện cảm của công chúng.

Thái độ

Dù đốp chát với nhau cỡ nào, thì tuyệt nhiên các tuyển thủ G2 cũng chưa từng dính bất kỳ cú phốt nào liên quan đến vấn đề toxic hay xúc phạm các tổ chức, cá nhân khác. Những lần trash-talk mang đến những câu chuyện “hề hước” trên MXH hoàn toàn là “chiến lược sáng tạo content” mà G2 tạo nên, với sự đồng thuận từ “khổ chủ” (những người bị kháy).

Về khía cạnh chuyên môn, ngoài một vài lần mau mồm mau miệng tiết lộ kết quả đấu tập ra, thì các thành viên G2 luôn được những đối tác từ LCK và LPL đánh giá rất cao về sự chuyên nghiệp và uy tín.

Đó là những lý do khiến G2 không chỉ có lượng fan cứng hùng hậu, mà còn nhận được rất nhiều thiện cảm từ chính người hâm mộ của các đội tuyển mà họ từng hợp tác hay đối đầu.

Thành tích

Bên cạnh 8 chức vô địch LEC và độc chiếm ngôi vị “đội tuyển giàu thành tích nhất LMHT châu Âu”, điều quan trọng hơn cả mà G2 có được chính là chức vô địch MSI 2019 – Danh hiệu quốc tế hiếm hoi của LMHT phương Tây kể từ sau chức vô địch CKTG 2011. Từng đó là đủ để cái tên G2 Esports trở thành người hùng trong mắt mọi game thủ LMHT châu Âu.

Dù vừa bị “hành ra bã” ở Playoffs LEC Mùa Xuân 2021, nhưng cơ hội bảo vệ chức vô địch của G2 vẫn còn khi họ chỉ bị rớt xuống nhánh thua. Còn trong quá khứ, với 4 chức vô địch liên tiếp kéo dài từ 2019 đến nay, rõ ràng người hâm mộ không có lý do gì để bắt bẻ các tuyển thủ của họ, khi mà dù có vừa chơi vừa thi đấu thì G2 vẫn cứ vô đối ở đấu trường khu vực. Có thể nói, G2 là minh chứng điển hình của câu nói: “Khi bạn thắng, bạn ‘gáy’ gì cũng là chân lý.”

Dĩ nhiên, mọi chuyện có thể sẽ khác nếu G2 mất chức vô địch mùa này. Các fan LMHT lâu năm chắc chắn chưa quên việc Perkz và các tuyển thủ G2 đã bị chỉ trích dữ dội đến thế nào khi liên tiếp thất bại ở MSI 2016 và CKTG 2016, các giải đấu mà họ tham dự với tư cách Đương kim vô địch châu Âu nhưng toàn bị loại từ vòng… gửi xe.

Sự cầu thị

Như đã đề cập ở trên, Perkz chính là hình ảnh phản ánh đầy đủ nhất bộ mặt của G2 thời kỳ đầu: “Tài năng nhưng kiêu ngạo và hợm hĩnh”. Họ bị phát giác về việc dành toàn bộ thời gian luyện tập chuẩn bị cho MSI 2016 để… đi nghỉ mát, rồi sau đó thua tan nát ở giải đấu này.

Thế rồi, cho đến thời điểm hiện tại, chẳng còn ai nhớ đến những câu chuyện xấu xí của đội tuyển này trong quá khứ nữa.

Perkz cũng đã thay đổi rất nhiều sau những thất bại ê chề trên đấu trường khu vực và quốc tế. Thương vụ Caps chuyển sang G2 được coi là một “quả bom nguyên tử” của LMHT thế giới, không phải vì việc G2 “nẫng” được ngôi sao sáng nhất từ tay “tử thù” Fnatic, mà là vì một người có cái tôi to tướng như Perkz lại sẵn sàng nhường vị trí đường giữa của mình cho Caps.

“Tôi chỉ nhường vị trí của mình cho hai người, một là Faker, hai là Caps.” – Những lời lẽ của Perkz vẫn đầy tự tin và ngạo nghễ, nhưng đã bớt đi cái phần “gáy láo”, và nếu có được cỗ máy thời gian, các fan LMHT của năm 2016 có lẽ phải ngất trên giàn quất vì quá sốc khi chứng kiến “Perkz của hiện tại” thừa nhận có người hơn trình mình.

Sự lột xác của G2 nói chung và Perkz nói riêng xuất phát phần lớn nhờ vào tinh thần cầu thị mà Ocelote đã truyền lại cho các tuyển thủ. Xuất thân từ một “player”, ông chủ của G2 hiểu quả rõ hậu quả nặng nề khi khán giả quay lưng với họ. Việc G2 dần chuyển từ một đội tuyển bị căm ghét cách đây 5 năm, trở thành “rạp xiếc quốc tế” ít ai ghét nổi là một câu chuyện tích cực, và xứng đáng là bài học cho những người làm Esports Việt.