Ion Fury – FPS hơi hướng thập niên 90
Game Tổng Hợp

Ion Fury – FPS hơi hướng thập niên 90

Các tựa game bắn súng giờ đây được tân trang đến mức siêu thực, có cả những tựa Game VR với chủ đề này luôn cơ mà. Thế nhưng nhiều quá đâm ra cũng chán, thỉnh thoảng chúng ta lại muốn xuyên không trở về ngày xưa. Biết điều đó, Victory8 xin giới thiệu đến các bạn một tựa nhuốm màu lịch sử. Cùng đến với Ion Fury, trò chơi bắn súng với nền tảng Build Engine nổi tiếng thời 90.

Giới thiệu chung

Ion Fury là trò chơi được phát triển bởi Voidpoint và xuất bản do 3D Realms. Đây là phiên bản ra mắt sau Bombshell, một trò chơi không mấy thành công của hãng năm 2016. Ion Fury cũng được coi là phần tiền truyện trong dòng thời gian với Bombshell. Trò chơi hiện đang phát hành trên khá nhiều nền tảng thông dụng như Windows, Xbox One, PS4… Người chơi có thể dễ dàng tìm kiếm nó trên các trang điện tử như Steam. Điểm nổi bật của Ion Fury cũng nằm nhiều ở nền đồ họa tạo nên. Cụ thể là Build Engine của Ken Silverman, nền tảng khá phổ biến được áp dụng trong các trò chơi năm 1990 như Duke Nukem, Shadow Warriors, Blood.

Advertisement

Trò chơi xoay quanh nhân vật chính là Shelly Harrison, một chuyên gia xử lý bom (Bombshell). Trong quá trình làm việc thì cô bị mắc kẹt lại do cuộc tấn công của bọn Cybernetically. Đứng đầu chúng chính là tiến sĩ Jadus Heskel, một người theo chủ nghĩa phát triển con người theo hướng cyborg. Người chơi nhập vai vào Shelly, vác súng lên và nã đạn vào bọn này. Nhìn theo hướng phi giới tính thì cô chả khác nào Doomslayer cả. Chả sợ con quỷ, người máy hay bất kỳ sinh vật nào. Thậm chí cô còn phỉ bám lại nếu chúng có ý định hăm dọa cô, nghe nữ cường vãi chưởng.

Ion Fury Gameplay

Lối chơi của Ion Fury đặc trưng của các tựa bắn súng năm 1990 thời ấy. Nhân vật được trang bị các loại vũ khí như Shotgun, Súng ngắn, Súng phóng lựu, lựu đạn… Nói chung là tất cả những thứ với sức sát thương đáng kể và có thể nâng cấp được. Mà nâng cấp trong game toàn theo hướng “đạn hoa cải” khi công phá vùng rộng quá trời. Điểm nữa là tuyến nhiệm vụ khá quen thuộc nếu bạn đã từng trải nghiệm các tựa 90s trước đây. Người chơi cần tìm thẻ màu đúng với cửa tương ứng để đi tiếp hành trình. Nếu chưa tìm thấy thì chỉ cần ngó xung quanh, cho nổ vài thứ cản đường hoặc tiêu diệt sạch đám quái, vậy thôi.

Nhịp độ chơi trong Ion Fury khá nhanh, ổn định và đạt 60FPS trở lên. Nếu gắn bó, game sẽ tiêu tốn của bạn khoảng 12 giờ đồng hồ. Tổng cộng 7 chương với nhiều khu vực để khám phá. Các bí ẩn nho nhỏ kiểu easter egg thì vô số kể (thường là về kẻ hủy diệt – terminator). Vậy nên trông thì đơn giản nhưng để hoàn thành 100% trò chơi thì cực kỳ gian nan khổ đấy. Còn lại thì độ khó không phải vấn đề, bạn chỉ cần khéo léo trong việc sử dụng vũ khí là ổn. Chưa kể chúng ta có thể lượm lặt máu, giáp trong suốt quá trình clear map cơ mà.

Hình ảnh, âm thanh

Sử dụng nền Build Engine được cải tiến dành riêng cho Ion Fury. Thế nhưng nhìn qua thì không thể phân biệt được đâu là 1990 và đâu là 2020. Bởi lẽ, trò chơi thể hiện thành phố công nghiệp viễn tưởng (bối cảnh chính của game) không thể 90s hơn. Điểm để phân biệt có lẽ chỉ đến từ độ chi tiết của hình ảnh mà thôi. Thay vì thưởng thức ở độ 480p như ngày trước, chúng ta có Full HD 2K, 60 FPS hoặc hơn. Nhân vật chính cũng như mấy khẩu SMG, Shotgun… cũng nét căng mắt, chi tiết hẳn lên. Ngoài ra, hiệu ứng bắn súng, lửa cháy, máu phun đều thô quá trời thô. Chống chỉ định với các bạn muốn hoài niệm nhưng phải hiện đại, mượt mà, blur các kiểu.

Âm thanh thì cũng tương tự hình ảnh, đậm chất quá khứ. Nhạc nền thể loại rock với nhịp độ nhanh, tạo động lực càn quét hết bọn quái thai nửa người nửa máy. Nó hơi vang vọng giữa núi rừng ấy. Thậm chí bắn chết rồi vẫn than dư ra được 30s, chơi tối hơi ám ảnh đấy. Đây cũng là thông tin cuối cùng trong Ion Fury Review của Victory8. Trò chơi bắn súng với góc nhìn thứ nhất không thể hoài niệm hơn đến từ 3D Realms. Hơi cũ kỹ xíu nhưng chất lượng gameplay cũng như cảm giác nó mang lại vẫn rất ấn tượng. Lựa chọn giải trí khá ổn áp nhé các bạn.