Picross S4 – Khi ghép hình kết hợp Sudoku
Game Tổng Hợp

Picross S4 – Khi ghép hình kết hợp Sudoku

Bên cạnh những dòng game hành động nhập vai đậm chất thực tế. Nơi mà người chơi có thể hòa mình vào sức mạnh không tưởng. Thì đâu đó trên thị trường điện tử, các trò chơi kiểu giải đố, sử dụng tính kiên nhẫn, IQ vẫn âm ỉ phát triển. Một trong những cái tên nổi bật nhất của dòng giải đố phải kể đến Picross. Tựa game khá giống với Sudoku nhưng cách chơi khó nhằn hơn rất nhiều. Cùng đến với Picross S4, phiên bản gần mới nhất của những câu đố nonogram nhé.

Giới thiệu chung

Picross S4 là trò chơi thuộc thể loại giải đố dạng bảng đến từ Jupiter Corporation. Đây là phiên bản thứ 4 thuộc series Picross nổi tiếng của hãng. Tiếp nối thành công của các loạt trò chơi trước đó, Picross S4 tiếp tục mang đến trải nghiệm giải đố cực kỳ thú vị. Tuy nhiên, lối chơi của series này hơi kén game thủ và đòi hỏi khá nhiều kiên nhẫn, tập trung mới có thể hòa nhập được. Hiện tại, tựa game này chỉ độc quyền trên nền tảng Nintendo Switch. Không biết tương lai nhà phát triển có mở rộng ra các Console cũng như hệ PC, Mobile hay không. Nếu được thì mình thực sự mong nó có trên mobile để trải nghiệm tiện hơn. Chứ cứ bấm phím chọn ô hơi mất thời gian.

Advertisement

Picross là thể loại giải đố ô vuông dạng lưới, series này đã có mặt từ rất lâu và được coi là đặc sản của Nhật Bản. Cách gọi khác của thể loại này là Oekaki Logic hay Nonogram. Nhiệm vụ của bạn là giải ô chữ, tô màu nó phù hợp với các con số ấn định ngang dọc ngay từ đầu. Khi thành công, toàn bộ “mạng lưới” sẽ hiện lên hình ảnh nào đó được ẩn giấu. Loạt trò chơi này có khá nhiều phiên bản chính thức lẫn spin-off, trong đó dòng S được coi là chính. Thời điểm hiện tại, chúng ta đã có thể thưởng thức Picross S5 luôn rồi đấy.

Picross S4 Gameplay

Như đã đề cập, nhiệm vụ của bạn trong trò chơi là tô màu từng ô vuông trong mạng lưới. Nói là mạng lưới vì chúng sẽ có kích thước kiểu 5×5, 5×10… đến 30×30 hay thậm chí 40×30. Ở mỗi dòng ngang lẫn dọc sẽ có số tối đa bằng với số ô của bảng. Ngang dọc cũng được tô màu để dễ phân biệt. Tùy vào chế độ người chơi lựa chọn mà game sẽ hiển thị số lượng màu tương ứng. Chế độ Picross Classic thì chỉ có trắng và đen (thực ra là xám) mà thôi. Giải xong, hình ảnh ẩn giấu sẽ xuất hiện và được thêm vào bộ sưu tập của game thủ.

Ngoài chế độ cổ điển, Picross S4 còn mang đến Color Picross, Mega Picross, Clip Picross và Extra Picross. Trong đó, Extra là chế độ mới mà chỉ phiên bản S4 lần này mới có. Nó mở ra chế độ 40×30 nếu bạn đã sở hữu 1 trong 3 phiên bản Picross S trước đây. Một kiểu tri ân người hâm mộ cũng như thu hút newbie tìm về chân ái xa xưa. Tổng cộng có đến 300 màn chơi trong phiên bản S4 của năm 2020. Bảo đảm khai phá IQ của hầu hết game thủ yêu thích thể loại này. Đặc biệt là Mega Picross và Color Picross, đây là hai chế độ được coi là khó nhất của trò chơi. Còn Clip Picross chỉ là những câu đố nhỏ có phần đơn giản hơn.

Hình ảnh, âm thanh

Picross S4 không có nhiều điểm khác biệt rõ rệt so với phiên bản S3 liền kề. Vẫn là giao diện phẳng gọn gàng, ngăn nắp. Cảm giác rất sạch sẽ không dư, không thiếu, nhanh nhạy vô cùng. Nền sau của “mạng lưới” là hình ảnh bình minh được làm mờ sau các tấm lưới mỏng đan chéo nhau. Cảm giác rất hòa quyện, cân bằng với màn chơi chứ không nổi cộm lên. Về phần màn chơi, chúng ta vẫn có đường kẻ chia đôi bảng thành 4 phần bằng nhau. Điều này giúp game thủ có thể dễ dàng nhận biết mình đang tô cái gì ở đâu. Màu sắc chủ yếu là gam màu sáng, mờ đi chút theo kiểu gradient nhẹ. Kiểu làm khiến ô chữ, con số không trở nên quá khô khan. Giúp trải nghiệm thời gian dài của game thủ bớt nhàm chán.

Trên đây là Picross S4 Review của Victory8 chúng mình. Mặc dù trò chơi chỉ độc quyền trên NW nhưng nếu là fan của giải đố thì đây hoàn toàn là sản phẩm nên thưởng thức. Nó không hoa mĩ nhưng vẫn rất đặc sắc, cả về hình ảnh giải đố lẫn lối chơi tích hợp. Phần âm thanh thì miễn chê, giai điệu thư giãn thực sự.